Tiểu sử Nguyễn_Phúc_Miên_Lâm

Hoàng tử Miên Lâm sinh ngày 18 tháng 12 (âm lịch) năm Nhâm Thìn (năm dương lịch là 1832), là con trai thứ 57 của vua Minh Mạng, mẹ là Ngũ giai Lệ tần Nguyễn Thị Thúy Trúc[1]. Ông là người con thứ tư của bà Lệ tần. Khi còn là hoàng tử, ông xem rộng kinh sử, có học hạnh[2].

Năm Minh Mạng thứ 21 (1840), vua cho đúc các con thú bằng vàng để ban thưởng cho các hoàng thân anh em, các hoàng tử công và hoàng tử chưa được phong tước. Hoàng tử Miên Lâm được ban cho một con cáo bằng vàng nặng 4 lạng[3].

Năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), tháng giêng, vua cho triệu các hoàng tử và hoàng đệ chưa được phong tước tất cả 10 người vào làm thơ ở điện Đông Các, trong đó có Miên Lâm[4]. Bảy người trong số đó là các hoàng tử Hồng Phó, Hồng Y, Hồng Tố, Hồng Hưu và các hoàng đệ Miên Tằng, Miên Kiền, Miên Lâm đều trúng cách. Tháng 3 (âm lịch) năm đó, vua phong tước ban thưởng cho cả 7 hoàng thân đó, hoàng đệ Miên Lâm được sách phong làm Hoài Đức Quận công (懷德郡公)[5].

Dưới thời vua Kiến Phúc (1884), quận công Miên Lâm được sung chức Tả tôn nhân Tôn nhân phủ[6]. Vua Hàm Nghi lên ngôi, ông được đổi làm Hữu tôn nhân, chức Tả tôn nhân được giao lại cho người anh là quốc công Miên Trữ[7].

Quận công Miên Lâm được hai quyền thần Tôn Thất ThuyếtNguyễn Văn Tường đặt làm Phụ chính thân thần cho vua Hàm Nghi sau khi Gia Hưng vương Hồng Hưu bị phế[2]. Khi đó, đất nước gặp nhiều gian nan, ông dự coi chính sự đều giữ mình khiêm cung, tránh khỏi sự nghi ngờ gièm pha[2].

Tháng 2 (âm lịch) năm Hàm Nghi thứ nhất (1885), hoàng thân Miên Lâm được gia phong làm Lạc Quốc công (樂國公), cùng với Miên Tuấn làm Thạnh Quốc công[8]. Năm đó, ngày 5 tháng 7, vua Hàm Nghi chạy vào Quảng Trị lánh nạn, quốc công Miên Lâm vì lớn tuổi không theo vua được nên lui về quê giữ mình[9].

Tháng 8 (âm lịch) năm đó, vua Đồng Khánh đăng cơ kế vị vua em Hàm Nghi, quốc công Miên Lâm được gia phong làm Hoài Đức công (懷德公), đổi sung chức Hữu tôn chính ở phủ Tôn Nhân[10].

Qua triều Thành Thái (đầu năm 1889), ông được mời ra làm Đệ nhị Phụ chính thân thần, cùng với Tuy Lý vương Miên Trinh làm Đệ nhất Phụ chính thân thần[11]. Ông một lòng hành động theo phép nước, hết sức công tâm[1][2]. Hai ông Miên Trinh và Miên Lâm được cho không phải lạy, chỉ cần khấu đầu 5 lượt[12]. Năm thứ 3 (1891), vua xuống dụ ban thưởng sâm, quế, gấm, bạc cho các Phụ chính thân thần và Phụ chính đại thần[13].

Năm Thành Thái thứ 6 (1894), vì công lao giúp hoàng đế, ông được tấn phong làm Hoài Đức Quận vương (懷德郡王)[14].

Năm Thành Thái thứ 9 (1897), ngày 5 tháng 12 (âm lịch)[1], quận vương Miên Lâm qua đời, được ban thụyĐoan Cung (端恭)[2]. Vua ban cho ông vải lụa, cấp cho tiền tuất 3800 quan, lại chuẩn cho lãnh thêm 1 tháng bổng lộc (500 đồng) và miễn số nợ của ông đã lâu ở Nghĩa thương[15] (700 quan) để tỏ ý đôn thân[16]. Mộ của ông được táng tại Dương Xuân, (thuộc Hương Thủy, Thừa Thiên), phủ thờ dựng ở phường Phú Cát, Huế[1].

Viết về Miên Lâm, Đại Nam liệt truyện có nhận xét: “Miên Lâm tính trời trung hậu, khiêm tốn, giữ lễ độ, lâu giữ công tộc, dạy bảo con em, hành động có lễ độ, cho nên được các triều hậu đãi, giữ trọn trước sau”[2].